Nửa đầu quyển sách này thật sự là “bộ bộ kinh tâm”, vừa đọc vừa sợ hãi giật mình thon thót. ;)))
Thời buổi này, có mấy ai chưa từng lên Internet viết ra những bình luận sát phạt, hay sục sạo vào không gian cá nhân của một, hai nhân vật đang ồn ào trên mạng xã hội (để nhìn cái mặt nó cho biết), chuyện rõ là hình thường như đi đường, thế mà vào đến quyển sách này, không cẩn thận lại bị đánh ngang hàng với nạn Holocausts của phát xít Đức.
Gớm, có nói quá hay không?
- Ừ thì, có thể có, mà cũng có thể không
Trước hết, đây không phải quyển sách hô hào đóng cửa mạng xã hội hay “cấm ngôn” đám đông. Ngay từ lời nói đầu, sách đã nêu rõ sự ủng hộ đối với “báo chí công dân” cùng Internet và mạng xã hội như những công cụ hỗ trợ. Nhưng quyển sách này muốn chỉ cho chúng ta thấy có sự khác biệt giữa “đám đông phản ánh” với “đám đông phán xử”, sự khác biệt này có thể huỷ hoại một cá nhân thay vì lên án cái sai và trao cho người mắc lỗi cơ hội sửa đổi.
Tôi chọn đọc “Thiện, Ác, và Smartphone” đầu tiên trong số các đầu sách của tác giả Đặng Hoàng Giang một phần vì tôi luôn có sự dè chừng nhất định đối với “hiệu ứng đám đông”. Tôi vẫn coi đây là cẩn trọng. Internet có cái gọi là “quay xe”, báo chí có thuật ngữ “thông tin được kiểm chứng”, hoặc phổ thông hơn là khái niệm “nhiều phía của câu chuyện”. Quyển sách này cho thêm một luận điểm: công lý không đạt được qua sự giận dữ. Đám đông tin mình đang hành động vì lẽ phải, nhưng trong nhiều trường hợp, đám đông chỉ “đang cho mình quyền độc ác”. “Nó là kẻ sai”, “Phải cho nó một bài học”, “cho nó chừa đi”, “cho nó nhớ”…
Một lý do nữa để đọc quyển sách này liên quan đến bê bối mới đây của một công ty phát hành sách.
Người đã khơi mào cho một làn sóng công kích dữ dội trên mạng xã hội viết một quyển sách về nạn bạo lực mạng? Liệu những diễn biến trong thực tế có khiến quyển sách này, và người viết ra nó, trở thành kẻ giáo điều hay không?
Nửa sau của quyển sách trả lời những câu hỏi này. Nó khai mở một hướng đi để lấy nhân văn làm trung tâm, để tôn trọng cả người hại và bị hại, để tấn công cái sai nhưng không huỷ diệt người sai. Tham chiếu vào thực tế thì tác giả đã không giáo điều, và quyển sách này do đó không phải sản phẩm nói tốt ăn tiền, nhưng nếu nói để đến được cái mô hình đấu tranh xã hội văn minh bớt sân si chắc vẫn còn xa hihi.